Người trồng rau vì lợi nhuận nên không ngần ngại dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất kích thích để rau phát triển mạnh, lá xanh mướt, rút ngắn thời gian thu hoạch.
Là một nước nông nghiệp, Việt Nam đang xuất khẩu rau quả đi nhiều nước trên thế giới, nhưng nghịch lý là hơn 90 triệu người dân tại Việt Nam lại đang phải vật lộn với cuộc chiến rau, quả sạch để có được bữa ăn sạch hàng ngày cho chính gia đình mình. Rau, quả an toàn thật sự là một nhu cầu cấp thiết cho người tiêu dùng.
Các bà nội trợ lại một lần nữa thực sự lo lắng khi biết thông tin 1/3 mẫu rau được Cục An toàn thực phẩm lấy ngẫu nhiên tại 6 chợ đầu mối của Hà Nội có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, hiện trạng sử dụng nguồn nước ô nhiễm tại cái tỉnh thành khác đang diễn biến khá phức tạp trong cả nước, một trong số đó thành phố Hồ Chí Minh.
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cũng công bố kết quả điều tra có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau bẩn và rau an toàn, còn 95% người mua rau thì không thể phân biệt. Nghiên cứu này cho thấy đây cũng là tình trạng chung trên cả nước.
Rau quả bẩn từ đâu
Nhiều người vẫn thắc mắc không hiểu nguyên nhân từ đâu khiến rau quả bẩn, mặc dầu nhìn vẻ ngoài rau quả trông rất bắt mắt. Sau đây là một số nguyên nhân khiến rau quả bị "bẩn":
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu
Người trồng rau vì lợi nhuận nên không ngần ngại dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất kích thích để rau phát triển mạnh, lá xanh mướt, rút ngắn thời gian thu hoạch. Họ bỏ qua thời gian cách ly bắt buộc đối với rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích. Hậu quả của việc này khiến không chỉ người trồng rau gánh chịu (do tiếp xúc quá nhiều với hóa chất) mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng khác.
Vi sinh vật gây hại
Như chúng ta đã biết, các vi sinh vật gây hại chủ yếu có từ nguồn nước tưới, đất trồng, nguồn phân bón hữu cơ và quá trình sơ chế. Trong quá trình vận chuyển và buôn bán, các tiểu thương thường dùng nguồn nước ô nhiễm và tưới trực tiếp lên rau quả nhằm giúp rau được tươi lâu hơn. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến rau quả bị nhiễm các vi sinh vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người như: ký sinh trùng, gian sán,... Vì vậy, cần sử dụng nguồn nước sạch để tưới rau và sơ chế và sử dụng các loại phân bón cần được ủ hoai mục hoặc được xử lý qua các sinh vật đối kháng (như phân trùng quế, phân vi sinh..)
Những hình ảnh như thế này chúng ta rất dễ bắt gặp ở những khu vực ven sông, nắp cống vào buổi sớm. Ảnh: Internet.
Nhiễm kim loại nặng
Rau quả có thể bị nhiễm loại nặng thông qua đất trồng hoặc qua nguồn nước tưới. Đây được xem là nguy hiểm nhất bởi nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh ung thư cho con người.
Kim loại nặng không được đào thảo ra ngoài mà tích lũy dần trong các tế bào của cơ thể, đến một ngưỡng nào đó sẽ gây bệnh, do không gây ngộ độc cấp tính nên sự nguy hiểm của kim nặng trong rau thường ít được chú ý hơn các yếu tố còn lại.
Tác hại khó lường từ "rau bẩn" đến sức khỏe chúng ta
Người tiêu dùng khi sử dụng phải những loại rau, củ nhiễm hóa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép có thể khiến cơ thể ngộ độc tức thời hoặc tích tụ trong cơ thể gây rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể tử vong. Đó còn chưa kể, việc sử dụng rau, củ nhiễm hóa chất sẽ rất nguy hiểm với các nhóm đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người mới ốm dậy, người mắc các bệnh mạn tính...
Hàng loạt ca ngộ độc thực phẩm do dùng phải rau bẩn. Ảnh: Internet.
Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn có quy định bón phân, phun thuốc vào thời điểm nào và thời gian thu hoạch nhưng vì lợi nhuận, không phải người trồng rau nào cũng thực hiện được. Hiện nhiều nước trên thế giới quy định rõ ràng nồng độ, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong rau củ quả ở mức nào đó, khi cơ quan chức năng lấy mẫu bất kỳ, nếu vượt mức cho phép, chính quyền khu vực đó sẽ xử phạt rất nặng hoặc cấm sản xuất. Với chế tài nghiêm như vậy nên cả người sản xuất và hộ kinh doanh đều không dám làm trái quy định, nhưng hiện nước ta chưa làm tốt việc này, nên người dân chưa nghiêm túc thực hiện. Vì vậy, đảm bảo
an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo.
Cách chọn rau an toàn
Rau bẩn đang lan tràn trên thị trường khiến người tiêu dùng loay hoay không nhận biết được đâu là rau sạch, đâu là rau nhiễm hóa chất. Hướng dẫn cách chọn rau an toàn, ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân nên sử dụng các loại rau phù hợp theo mùa, hạn chế ăn rau, củ trái mùa. Nên chọn rau tươi, không dập nát, không có mùi lạ, căn cứ vào màu sắc của rau, như rau ngót, nếu rau xanh mơn mởn, mùi của rau không còn thơm, nồng và không có độ nhớt dính tay thì chứng tỏ rau có vấn đề.
Hay như cà chua, người dân nên chọn quả có chỗ vàng chỗ đỏ vì như vậy là cà chua được chín tự nhiên. Bên cạnh đó, để bớt rủi ro, người dân nên mua tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các quầy bán rau cố định có cam kết bảo đảm
an toàn thực phẩm; tại cửa hàng đã có kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau sạch an toàn.
Khi chế biến rau, nên rửa rau dưới vòi nước sạch nhiều lần, như vậy sẽ bào mòn, tẩy rửa những tồn dư hóa chất bám vào bề mặt rau. Sau đó ngâm rau củ bằng nước sạch pha chút muối loãng nhằm làm bão hòa lượng hóa chất (nếu có) còn tồn dư trong rau củ.